Cuộc chiến đỗ xe Theo các bạn thì trò chơi trực tuyến (game online) nào được dân ta ưa chuộng nhất trong năm 2009 vừa qua? MU à, “xưa như Diễm” rồi. Hay FIFA 2009? Cũng chẳng có gì mới, loanh quanh lại vẫn mấy anh quần đùi áo số chạy đi chạy lại, ngã lên ngã xuống cùng quả bóng. Thế còn “Thiên Long Bát Bộ”? Kể ra thì cũng có số má, nhưng bỏ mấy tháng đi chăn lợn, giết gà, đập thỏ... rồi vứt thêm một đống tiền ra mua áo giáp, bửu bối để luyện công.. rồi cứ cho là lên hẳn đến level 100 đi thì đã... dọa được ai, hay vẫn sợ vợ như ngày chưa có võ. Quên hết cả đi! Trò chơi được bình chọn là hay nhất năm 2009 là một trò chơi giản dị nhưng cũng không ít gam go, máu lửa mà lại đầy tính thực tiễn. Trò chơi: “Cuộc chiến đỗ xe”. ******* Để chơi game này các bác cần phải có 1 hay nhiều chiếc xe ôtô (lời khuyên chân thành là các bác chỉ nên có 1 chiếc, nếu có nhiều hơn các bác... sẽ nhanh biết thôi). Nếu chưa có các bác có thể mua ngay một chiếc ở bất cứ cửa hàng nào trên toàn quốc để tham dự trò chơi thú vị này. Trò chơi cũng không phân biệt xe Liên doanh hay nhập khẩu, xe xấu hay xe đẹp, xế hộp hay second hand miễn là ôtô 4 bánh. Đơn giản hơn, khi đã có một chiếc xe bạn nghiễm nhiên được tham dự ngay trò chơi mà không cần phải đăng ký. Mà “nói nhanh cho nó vuông” là khi đã có cái 4 bánh, cho dù không muốn các bác cũng cứ phải tham gia trò chơi này. Luật chơi cũng “đơn giản như đan rổ”, các bác chỉ cần đỗ xe sao cho... hợp lý là xong. Trò chơi cũng chỉ gồm có 2 phần: Gửi xe khi về nhà và Đỗ xe trên đường. - Gửi xe khi về nhà (gửi thường xuyên). + Khi đăng ký xe, chủ xe luôn được yêu cầu phải xác nhận là đã có chỗ để xe trong thời gian 1 năm. Nhưng qui định này hầu như không có tác dụng vì trên thực tế không chỉ các khu phố bình thường mà ngay cả khu chung cư hay thậm chí tòa nhà cao cấp cũng luôn không đủ chỗ để xe cho chính cư dân của nó. Nói ngay như “đỉnh của top” chung cư cấp cao tại Hà Nội hiện nay, tòa nhà Keangnam Landmark Tower cũng thiếu chỗ gửi xe ôtô một cách “cao cấp” không kém. Vì được thiết kế cho hẳn 900 căn hộ bố trí ở 2 toà tháp cao 48 tầng, nhưng lại chỉ có 2 tầng hầm để chứa “những”... 200 xe. Chỗ ít, xe nhiều nên để được gửi xe trong chung cư của mình, quân ta phải “chiến đấu” thôi. Không những chiến với quân mình (hàng xóm, những người cũng có xe) mà còn phải chiến đấu với cán bộ lãnh đạo (Ban quản lý toà nhà) nữa. Kinh nghiệm chỉ ra rằng các bác trong Ban quản lý này luôn ngại xe đẹp, xe sang vì mức bảo hiểm, đền bù cao của nó trong khi phí gửi xe lại không đổi. Nên ở đây xe xấu lại là một... lợi thế. Xe càng xấu càng tốt, thậm chí vừa xấu vừa bẩn lại được ưu tiên trông giữ hơn. Chả thế mà anh H (chủ của một chuỗi cửa hàng nội thất ôtô có tiếng ở Hà Nội) trước cưỡi “em” TOYOTA hàng hiệu thì có vẻ mệt mỏi lắm vì đều bị các bãi gửi xe gần nhà từ chối cả. Nay đổi xuống con QQ hàng Tàu vừa rẻ vừa bé thì trông lại vui tươi, hớn hở hẳn ra. + Không gửi được ở những nơi trông giữ xe chuyên nghiệp thì công sở, xí nghiệp hay trường học cũng là những nơi các bác có thể gửi gắm “vợ hai” của mình qua đêm. Chỉ có điều sáng ra nếu có ốm thì cũng ráng dậy đúng giờ mà đánh xe đi chỗ khác để các em học sinh còn tới lớp. Hết giờ làm việc cũng không thể về ngay vì còn phải lòng vòng đợi các cháu nó học xong mới đưa xe vào được (chưa thèm tính chuyện có trường còn tổ chức dạy ngoại ngữ buổi tối nữa nhé). Mà cái thời gian “lòng vòng” chờ đợi này thì... Anh Kh (giám đốc kinh doanh của một tòa báo), để đợi đến giờ có thể đưa xe vào bãi gửi anh đã phải lòng vòng qua các quán bia, hồ câu, bể bơi, sân tenis... Sau một tháng, tổng thiệt hại “lòng vòng” khoảng 20 triệu, trong khi phí gửi xe chỉ có 1,5 triệu. Anh lại sụt mất 3kg. Vợ anh đang đòi bán xe. - Đỗ xe trên đường. Gửi xe khi về nhà đã khổ (chắc các bác ở The Manor thấu hiểu hơn ai hết điều này) nhưng gửi xe trên đường còn khổ gấp vạn lần. Vì nhiều tiền cũng chưa chắc đã gửi được. Khốn nạn nhất phải kể đến các bác ngoại tỉnh, có bác đưa vợ đi đẻ ở Viện C, loanh quanh tìm chỗ gửi mãi không được, quay lại thì vợ con đã ra viện rồi. Thế mới nói đỗ xe trên đường không những đòi hỏi các bác thông hiểu luật giao thông mà còn phải tài trí, mưu mẹo hơn người nữa. + Có bác tự tin vào phong thái của mình thì đàng hoàng đưa xe vào bãi của một khách sạn (càng sang trọng, càng nhiều sao càng tốt) nào đó, tới sảnh lễ tân uống một tách café, nghe nhạc rồi đi ra. Sau đó... 4 tiếng quay lại lấy xe. Chu đáo, an toàn lại sang trọng nữa. + Bác không tự tin để vào khách sạn à. Thế thì đi uống bia đi. Cũng thế, vào làm một vại, nếu không uống được thì tạt qua nhà vệ sinh cũng Ok (trong quán bia thì mấy nhà này luôn rộng mở, dễ tìm lắm). Mỗi tội không gian ở các quán bia luôn được tận dụng tối đa để xếp bàn, chỗ trông giữ ô tô thường ít nên để xe lâu hơi dễ... lộ. Trong số các quán bia ở Hà Nội có chỗ để xe thì 19c Ngọc Hà có lẽ là “ngon” nhất. Rộng rãi, thoáng đãng, bảo vệ nhiệt tình, lại thêm cây đa đầy bóng mát, có thể đậu xe (miễn phí) dưới gốc cây rất thơ mộng. + Để xe ở siêu thị cũng là một không phải là một giải pháp tồi. Nếu bác nào có việc du ngoạn gần khu Ngân hàng nhà nước, Nhà hát Lớn, nên phi thẳng xe đến cửa siêu thị FIVIMAT (phố Tôn Đản), sẽ được nhân viên bảo vệ hướng dẫn đỗ xe chu đáo (miễn phí). Các bác chỉ việc vào siêu thị 2 bước rồi quay ra, đi chơi thoải mái. Xe vưỡn được bảo vệ cẩn thận. Lúc lấy xe ra cứ tự nhiên, không cần chào ai. + Hay đi xem phim vậy. “Ngon lành cành đào”, cứ đưa xe vào đấy, còn xem phim hay không là việc của mình ta với ta chứ có ai hỏi đâu. Giá trông xe ở các rạp chiếu bóng (như Trung tâm chiếu phim Quốc gia) khá mềm, thậm chí còn miễn phí khi chiếu phim Việt Nam (chả là chính phủ đang khuyến khích điện ảnh nước nhà mà). Chỉ có điều phim chiếu thì có giờ mà thời gian phim Việt Nam ta ra rạp cũng chẳng mấy. + Lành nhất là để xe trong Bệnh Viện. Muốn để bao lâu trong ngày cũng được, vào thăm người nhà ốm thì có ai làm khó dễ bao giờ. Gửi xe ở đây vẫn mất tiền nhưng so với các điểm gửi xe chuyên nghiệp thì cũng còn rẻ chán. Tất cả các Viện trừ Viện Mắt Trung ương (Bà Triệu) nhé. Viện này chật, xe cứu thương còn bị xua như đuổi tà, không có chỗ có các bác đâu. + Thực ra ở Hà Nội (Sài Gòn, hay các thành phố lớn khác) cũng có nhiều phố cho phép để xe nhưng thường thì chúng hiếm khi còn chỗ trống do đã bị các chú taxi chiếm sạch. Bí thì đành làm liều vậy, bình tĩnh quan sát xem taxi của hãng nào đỗ ở đấy nhiều nhất, gọi ngay cho điều vận của hãng đó xin 1 xe (hay hẳn 2 xe cho chắc) ra phố lân cận. Sau 10’ đảm bảo sẽ có taxi phi đi ngay. Vậy là xong, các bác vừa có chỗ đỗ rồi đó. Đùa vậy thôi, chuyện đó xưa rồi. Bây giờ điện thoại đều phải đăng ký tên tuổi địa chỉ cả, chơi ác thế này không khéo ăn đòn đó nha. + Các bác có việc ở khu phố cổ thường chơi trò “chịu đấm ăn tiền” tức là cứ đỗ vào những nơi cấm đỗ và sẵn sàng chịu phạt. Như trên trục đường Hàng Đào – Đồng Xuân chẳng hạn, đây là tuyến phố cấm đỗ - cấm dừng nhưng lại cho phép kinh doanh khách sạn. Thế khách sạn mà không dừng – đỗ để đưa, đón, trả khách thì kinh doanh làm sao? Mức phạt của công an phường trong những trường hợp này cao nhất cũng chỉ 150k, không quá đắt so với nhu cầu công việc. Hà Nội chỉ có 1.427 km đường với trên 580 điểm giao nhau giữa các tuyến phố nhưng lại đang quản lý 150.000 ôtô và khoảng 1,6 triệu xe máy. Tính trung bình, mỗi km chiều dài đường nội thành có 435 ôtô và 4.520 xe máy, ở ngoại thành các con số tương ứng là 138 ôtô và 1.430 xe máy. Vậy mà theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội trung bình mỗi ngày thành phố có gần 100 xe ôtô đăng ký mới. Như vậy, mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 3.000 xe ôtô tham gia giao thông và đi cùng với nó là đòi hỏi phải có thêm 3.000 chỗ để cùng hàng nghìn chỗ đỗ xe nữa. Trong khi diện tích giành cho giao thông tĩnh không tăng lên một cách tương ứng thì thậm chí chủ đầu tư các tòa nhà cao cấp còn phớt lờ quy định của Bộ Xây dựng về việc mỗi căn hộ phải có 1.5 chỗ để xe. Họ lấy diện tích đáng phải dành cho trông giữ phương tiện giao thông để xây nhà ở vì mục đích kinh doanh kiếm lời. Hà Nội cũng đã có chủ trương xã hội hóa các bãi đỗ xe, tăng cường xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao... Chủ trương thì luôn luôn đúng đắn rồi, mỗi tội các bãi gửi hiện đại này thì chờ mãi chả thấy đâu. Hệ thống các điểm trông giữ xe ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên cả nước nói chung đã, vẫn và đang thiếu, yếu, quá tải nữa. Nên chắc chắn trò chơi “Cuộc chiến đỗ xe” còn được dân ta hâm mộ dài dài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét